Ngày 7 tháng 5 vừa qua, Trung tâm Thúy Nga đã thực hiện chương trình văn nghệ trực tiếp thu hình Paris By Night 118 với chủ đề “Đức Huy, 50 năm âm nhạc.” Đây là lần thứ hai, Trung Tâm Thúy Nga dành ưu ái thực hiện cả một chương trình cho người ca nhạc sĩ này từ khi Trung tâm Thúy Nga hoạt động lại tại hải ngoại sau biến cố 1975. Ngày còn đóng đô tại Paris, Thúy Nga đã thực hiện và phát hành Paris By Night 33 với chủ đề “Tình Ca Đức Huy.” Ngày đó chưa có DVD như bây giờ, nên Paris By Night 33 được thực hiện qua dạng video, hai cuốn, và được thu hình theo kiểu ¼ MTV và ¾ live audience. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn điều khiển chương trình và chính thức trở thành MC độc quyền cho Thúy Nga và bắt đầu khởi sắc, gây được tiếng vang và sự chú ý của khán thính giả VN khắp nơi qua lối dẫn chương trình mới lạ của ông. Mặc dù Trung tâm Thúy Nga lúc đó còn nghèo, chưa đủ khả năng để thực hiện các chương trình hoàn hảo như hiện nay, Paris By Night 33 với chủ đề “Tình Ca Đức Huy” cũng gặt hái được thành công và được khán giả khắp nơi đón nhận.
Đức Huy với tôi gần bằng tuổi nhau, nên xem nhau như bạn. Trước 1975, tôi chỉ biết anh, chứ không quen, vì ngày đó tên tuổi của anh còn quá mới với tôi cũng như nhiều người – một vài lần xem anh trình diễn chung “Strauberry Four” với Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Billy Shane tại một vài phòng trà ở Sài Gòn, hay Đại Hội Nhạc Trẻ khoảng đầu thập niên 1970. Sau này, một vài lần thấy anh xuất hiện trên truyền hình cùng với Thanh Tuyền (con gái tài tử Đoàn Châu Mậu) thành cặp du ca trẻ đẹp mắt, thế thôi!
Một lý do khác, vào những năm tháng đó, Đức Huy còn xa lạ với khán giả VN, vì anh chuyên hát loại nhạc ngoại quốc trẻ, thịnh hành thời đó trong các căn cứ Mỹ, không phải cho khán giả VN. Tôi học nội trú, dưới sự chăm sóc chặt chẽ, nghiêm túc của các Thầy dòng Lasalle, nên không biết “một ly ông cụ” nào về cái thế giới “ồn ào” náo nhiệt đó.
Là dân Bắc kỳ lại bị ảnh hưởng nhiều từ các ông bà văn sĩ, thi sĩ cùng miền, nên lúc nào cũng phải tỏ ra rằng mình có đủ tiêu chuẩn văn minh thời thượng do các ông bà ấy đặt ra, tôi quay ra “chê ỏng chê ẻo” các nhà văn Nam kỳ, xem thường nhạc trẻ. Bĩu môi với các tên tuổi thần tượng thời đó như Jimmi Hendrix, Janis Jophin, The Beatles, The Shadow, The Ventures, Santana, v.v… Thay vào đó, tôi được khuyên dụ: muốn có trình độ cần phải nghe BBking, Nat King Cole, Billie Holiday, Dalida, Trencoise Hardy, Edit Fiaf hay nhạc cổ điển phương Tây của Mozart, Schubert, Paul Moriat, v.v… Phần nhạc Việt chỉ cần biết tên tuổi các nhạc sĩ như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương là đủ. Nghe hát ư? Bắt buộc phải nghe bà Thái Thanh (tiếng hát vượt thời gian mà nhà văn Mai Thảo âu yếm gọi như vậy), Duy Trác, Anh Ngọc, Sĩ Phú mới được coi như sành điệu biết nghe nhạc. Nhớ một lần trót dại, mở các đĩa 33 tour có danh ca cải lương Hùng Cường hát hai bài “Ai về Sông Tương” của Thông Đạt, và ca khúc “Ông Lái Đò” quá hay, tôi buột miệng khen thì bị ngay các “ông bà văn minh thời thượng nhà tôi có trình độ thưởng thức âm nhạc cao, rủa vào mặt như tát nước: “Mặt mũi như vậy mà đi nghe cải lương, nhạc sến sẩu!” Tôi ngậm bồ hòn vì lúc đó còn trẻ, chưa đủ khả năng để đối chất với các ông bà thuộc loại quý phái, thích nhạc sang này.
Rõ lẩm cẩm, đang viết về Đức Huy sao tự dưng tôi lại ngồi bóc lòng mình cho người khác xem thế này! Trở lại với Đức Huy, trước tháng 4/1975, anh có cho trình làng hai ca khúc “Cơn mưa phùn” và “Bay đi cánh chim biển,” dù chưa xuất sắc lắm, nhưng cũng gây được tiếng vang, nhất là trong giới trẻ sinh viên, học sinh ngày đó. Bài “Cơn mưa phùn” tôi không biết ai đã hát, riêng ca khúc “Bay đi cánh chim biển” thì được Thanh Mai thu vào băng, làm bài tủ cho mình mỗi khi có dịp trình diễn. Thanh Mai ngày đó đẹp lắm, Mai dáng dấp của một cô nữ sinh trung học dù hát chưa hay nhưng được giới trẻ thời đó ngưỡng mộ. Tôi nghe cũng thích nhưng không cảm nhiều vì lúc này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông đã hớp hồn tôi rồi.
Khoảng thời gian đầu, gần 10 năm sau khi định cư tại Mỹ, Đức Huy hoàn toàn biệt tăm trong những sinh hoạt văn nghệ tại hải ngoại. Không nghe anh hoạt động, sáng tác gì nữa cho đến khoảng cuối thập niên 1980 Đức Huy tung ra một loạt ca khúc mới. May mắn ở chỗ ca khúc nào cũng hay, nghe lọt tai và trở thành top hit… Để Quên Con Tim, Yêu Em Dài Lâu, Người Tình Trăm Năm, Tiếng Mưa Đêm,Và Con Tim Đã Vui Trở Lại, Như Đã Dấu Yêu, Trái Tim Ngục Tù,… Hầu hết các ca sĩ nổi danh thời ấy không ai mà không hát, hoặc thu băng các ca khúc này của anh. Được sự ủng hộ của khán giả, thúc đẩy của bạn bè, nhất là cố nhạc sĩ Tùng Giang, Đức Huy đã thực sự đã trở lại sinh hoạt, tiếp tục sáng tác đều tay hơn. Anh lập phòng thu riêng và tự mình thành lập Trung Tâm Nhạc Mới, tự sản xuất, phát hành cho mình và một số ca sĩ khác.
Mùa hè 1996, trong một dịp đi nghỉ hè tại Cali, tôi ghé thăm Huy, và gia đình được anh cho nghe thử một Demo Tape gồm toàn những ca khúc mới do chính anh sáng tác, trong số đó có ca khúc “Đừng xa em đêm nay” được chọn làm tên cho tape nhạc do Thảo My hát. Thảo My lúc đó mới chập chững vào nghề, tên tuổi còn quá mới với khán giả Việt Nam. Giọng Thảo My đơn thuần, bình dị nhưng nhờ sáng sân khấu, có dáng dấp của một ca sĩ cỡ lớn nên khi cuốn Paris By Night 33 vừa phát hành thì tên tuổi Thảo My nổi như cồn và ca khúc trở thành “trademark” của Thảo My. Ca khúc này đã tạo thành danh cho Thảo My và gắn liền với tên tuổi Thảo My cho đến hôm nay, dù sau này có nhiều ca sĩ gạo cội nổi tiếng hát ca khúc này, nhưng đều bị chê “… không bằng Thảo My.” Âu cũng là định mệnh. Nói theo kiểu người Công giáo như tôi “Ý Chúa đã an bài”! Phần Đức Huy, ca khúc cũng đã đánh bóng thêm cho tên tuổi của anh, Đức Huy không còn là ca nhạc sĩ cho riêng giới trẻ nữa, mà của mọi thế hệ trong cộng đồng Việt ở hải ngoại cũng như trong nước. Một lần dự đám cưới, nghe một cụ bà hát “Đừng xa em đêm nay”, cũng như nhìn thấy một nhóm nữ tu trẻ đồng ca bài “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại”, tôi mừng cho bạn mình. Nhạc anh đã thuộc về tất cả mọi người, của đại chúng, không còn ranh giới nữa.
Paris By Night 118 “Đức Huy, 50 năm âm nhạc” lần này được Trung tâm Thúy Nga thực hiện công phu, tốn kém, và đạt được tiêu chuẩn nghệ thuật quốc tế. Những sản phẩm DVD của Thúy Nga trên chặng đường 20 năm qua đã đủ chứng minh điều này. Từ cách phối trí, dàn dựng sân khấu, kỹ thuật, ánh sáng,…Thuý Nga đã làm cho Paris By Night 118 trở thành một trong những cuốn DVD hay nhất. Đại đa số khán giả đến xem buổi thu hình hôm ấy ra về đều hết lời ca ngợi: “Chương trình nhạc quá hay, quá tuyệt vời.” Ngoài những ca khúc quen thuộc, Đức Huy cũng cho trình làng 11 ca khúc mới không có trong Paris By Night 33. Trong số này có ca khúc anh viết bằng tiếng Anh “White Sandy Beach” do Thiên Tôn hát. Đức Huy sáng tác bài này vào năm 1987 tại Hawaii. Ca khúc này đã được một danh ca người bản xứ Hawaii yêu Izrael Kamiwiwo O’le thu âm và trở thành top hit trên radio ở Hawaii cũng như trên Youtube. Riêng trên Youtube, ca khúc này đã thu hút được trên 6 triệu người xem.
Ngoài 11 ca khúc mới, những ca khúc cũ được trình diễn lại với phần hòa âm mới lạ, công phu, trau chuốt hơn đã giúp cho sự thành công của Paris By Night 118 không thể phủ nhận được. Tôi ngồi thưởng thức và say mê theo dõi phần trình diễn hay, bắt mắt của từng tiết mục của mỗi ca sĩ từ Đình Bảo, Ngọc Anh, Thiên Tôn, Don Hồ, Khánh Hà, Ngọc Hạ, Ý Lan, Trần Thái Hòa, Tóc Tiên, Tuấn Ngọc, Mai Tiến Dũng, Kỳ Phương Uyên, Trần Thu Hà, Nguyễn Hồng Nhung, Đan Nguyên, Quang Dũng, Bằng Kiều, Minh Tuyết,… Nói chung tất cả hát đều hay, nhưng người “steal the show” hôm đó, theo tôi là Tuấn Ngọc qua ca khúc “Như đã dấu yêu.” Điều ngạc nhiên cho tôi là Tuấn Ngọc từ trước đến nay chưa bao giờ hát nhạc của Huy, thế mà kỳ này qua đề nghị của producers Huỳnh Thi và Thủy, anh hát bài này không chỉ hay mà phải gọi là tuyệt chiêu mới đúng. Hơn 20 năm qua, Tuấn Ngọc đã có bài tủ “Riêng một góc trời” gắn liền với tên tuổi của anh, thì theo tôi, ca khúc “Như đã dấu yêu” của Đức Huy sẽ trở thành “trademark” thứ hai trong sự nghiệp ca hát của anh từ nay về sau.
Người đời bảo “Lấy lửa thử vàng, dùng thời gian để đo lòng nhân thế”, dòng nhạc Đức Huy đã được trải rộng và dài hơn trên chặng đường 50 năm qua, không ai có thể phủ nhận giá trị và chỗ đứng của Đức Huy trong nền âm nhạc Việt Nam nữa. Những ca khúc của anh đã được đón nhận và thử thách với thời gian, càng ngày càng được phổ biến rộng hơn trong giới yêu âm nhạc Việt ở khắp mọi nơi.
Paris By Night 118 với chủ đề: “Đức Huy, 50 năm âm nhạc” được xem như món quà tinh thần để đời cho Đức Huy nói riêng, cũng như cho tất cả những ai yêu và thích nhạc của anh nói chung. Thay mặt khán giả mọi nơi, xin gửi lời cám ơn chân thành nhất đến Trung tâm Thúy Nga, đến Thi, Thủy đã không ngần ngại đương đầu, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện và hoàn thành DVD này. Tình trạng sang băng lậu, Youtube, internet đã làm tê liệt các nhà sản xuất phim ảnh, băng nhạc khắp nơi (ngay cả trong thị trường Mỹ!). Phải có tâm hồn say mê nghệ thuật, đầu óc thương mại giỏi mới can đảm tiếp tục; nếu không thì có lẽ Thúy Nga đã phải ngừng hoạt động từ lâu rồi!
Tôi vui và mừng cho bạn mình, Đức Huy. Với Paris By Night 118, “Đức Huy, 50 năm âm nhạc,” anh lại được ghi nhận “Công thành danh toại” trên con đường âm nhạc Huy đã chọn. Một người, thành nhân đã khó, thành danh cũng chẳng dễ. Ít người được cả hai. Đức Huy may mắn được nằm trong số ít này. Thật hiếm và may mắn thay cho anh, một người nghệ sĩ đang phải sống trong cái xã hội xô bồ như bây giờ